Kỷ niệm 69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2023): “Tiếp lửa” qua những trang viết từ chiến trường
VHO- Kỷ niệm 69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2023), NXB Chính trị quốc gia Sự thật sẽ tổ chức giao lưu Những trang viết từ chiến trường vào 9h ngày 6.5 tại Trung tâm Sách quốc gia (24 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Ngày 7.5.1954, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi đã kết thúc cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp của đế quốc Mỹ (ảnh tư liệu)
Những trang viết vội rất thật và rất “đời”
Tại buổi giao lưu, bạn đọc sẽ được nghe các diễn giả chia sẻ thông tin quý, xúc động, thú vị về nguồn gốc cùng nội dung thư của những người lính (tập hợp qua cuộc vận động sưu tầm và xuất bản bộ sách Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam). Qua đó, bạn đọc sẽ có thêm góc nhìn mới đa dạng, nhiều chiều và sinh động về hai cuộc kháng chiến “thần thánh” của dân tộc, trong đó có cuộc chiến đấu 55 ngày đêm kiên cường, quả cảm để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong hàng triệu lá thư của những người lính gửi đi từ chiến trường, nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng đã lựa chọn 200 lá thư tiêu biểu để đưa vào cuốn sách Những lá thư thời chiến Việt Nam. Sách vừa được NXB Chính trị quốc gia Sự thật phát hành vào tháng 4.2023 và lễ giới thiệu sách được tổ chức tại Đường sách TP.HCM vào ngày 15.4.
Không phải từ những con số, số liệu khô khan, mà toàn cảnh các cuộc chiến được tái hiện từ chính những con người trong cuộc, đang ở giữa mưa bom bão đạn, chiến đấu hết mình với niềm tin vào sự toàn thắng. Đặc biệt ở chỗ, những trang thư được người lính viết cho người thân yêu nhất và cả cho chính mình, chứ không phải viết với tâm thế dành cho công chúng đọc, như nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng đã chia sẻ: “Không có một người nào khi đặt bút viết những dòng chữ ấy lại nghĩ rằng, sau mấy chục năm nữa chúng sẽ được in thành sách và họ trở thành những tác giả…”. Những dòng thư có thể được viết vội trong lúc dừng nghỉ chân giữa chặng đường hành quân, trước khi vào trận chiến, được thể hiện qua những dòng thơ, hoặc nhờ viết hộ vì chủ nhân bức thư không biết chữ... Đó là những cảm xúc, nỗi lòng được bộc lộ trong những khoảnh khắc và bối cảnh tự nhiên nhất, chân thật nhất, bởi vậy mà nó rất thật, rất “đời”, sinh động và cuốn hút đến lạ kỳ.
“Hơn hai tháng trời hành quân liên miên đuổi giặc, đi cả ngày cả đêm trung bình 34-45 cây số (có ngày tới 62 cây số), leo những đèo cao ngút ngàn hàng 20 cây và dưới trời nắng như thiêu người, khát khô cổ không có lấy một giọt nước trong. Có đêm cứ đội mưa mà đi, nước ngấm vào người lạnh thấu xương, vắt bám đầy chân cẳng. Sáng hôm sau trông anh nào cũng như thương binh và con đường đi thấm máu hồng tươi của mọi người. Đó là chưa kể những ngày ăn bữa cháo, bữa cơm hoặc là bụng rỗng không, cán bộ, chiến sĩ nhìn nhau hẹn một ngày mai no đủ. Gian khổ lần này mới thật là gian khổ. Trong đời lính có lẽ chưa lần nào thấm thía bằng lần này. Có thế mới đuổi kịp được giặc, mới diệt được hết chúng nó. Và có thế anh mới có phút ngồi đây, được phép nghĩ đến em trong giây lát mà lương tâm không nghẹn ngùng, hổ thẹn…” - đó là những dòng thư của Thượng tướng Vũ Lăng, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên), nguyên Giám đốc Học viện Lục quân Đà Lạt viết cho vợ trước chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi đó, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98, Đại đoàn 316. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 98 do Vũ Lăng chỉ huy đã giành chiến thắng trong trận đánh đồi C1 nổi tiếng, góp phần quan trọng vào chiến thắng của chiến dịch. Lá thư xúc động của ông đã được đưa vào cuốn sách Những lá thư thời chiến Việt Nam.
Đã 69 năm trôi qua, nhưng ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn không hề phai mờ
Tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ
Ngày 7.5.1954, chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp của đế quốc Mỹ; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương; bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945; mở ra giai đoạn cách mạng mới, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đã 69 năm trôi qua (1954-2023), nhưng ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện lịch sử trọng đại này không hề phai mờ, trái lại, những bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau. Bởi sau chiến thắng Điện Biên Phủ là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài hơn 20 năm và chiến tranh bảo vệ biên giới, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc kéo dài hàng chục năm... Hàng triệu những người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống để chúng ta có cuộc sống hòa bình hôm nay.
Trong buổi giao lưu, bạn đọc còn được nghe bà Trần Hồng Dung, Phó chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” chia sẻ những kỷ niệm xúc động của hàng trăm chuyến đi về chiến trường xưa và tình cảm của các Cựu chiến binh đến với vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt là việc tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua các sự kiện được tổ chức cho sinh viên các trường đại học ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong những năm qua.
Cùng với đó, bạn đọc sẽ được nghe Đại tá, Nhà văn Trần Trọng Giá, Thường trực Hội đồng Quản lý Câu lạc bộ “Trái tim người lính” tâm sự về những kỷ niệm đầy xúc động tại chiến trường và những hoạt động ý nghĩa của CLB, phát hiện những tấm gương thầm lặng hy sinh và cống hiến của người lính và cả những người không mặc áo lính, họ đang ở khắp các vùng miền trên cả nước và sẽ được ghi nhận, vinh danh thông qua tủ sách cùng tên “Trái tim người lính”.
QUANG ANH